Nếu như ở Việt Nam có múa rối nước thì ở Hàn Quốc là múa mặt nạ. Một lễ hội đặc sắc của vùng Andong.
Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1997, Lễ hội Múa mặt nạ quốc tế Andong đã trở thành một trong những lễ hội văn hoá tiêu biểu của Hàn Quốc.
Những chiếc mặt nạ bằng gỗ được đục đẽo và tô vẽ qua bàn tay khéo léo của những nghệ nhân lớn tuổi. Những gương mặt đơn giản nhưng mang nhiều cảm xúc. Một sân khấu biểu diễn của giới bình dân, mỗi điệu múa chứa đựng sự những câu chuyện đa dạng về cuộc sống hằng ngày, pha thêm chút châm biếm để tạo nên những tiếng cười sảng khoái cho người xem. Và cùng phát triển với thời gian múa mặt nạ đã trở thành một trong những lễ hội tiêu biểu của Hàn Quốc.
Múa mặt nạ về cơ bản là loại hình nghệ thuật dân gian phát triển tự nhiên trong nhân dân thời kỳ Joseon, thời kỳ mà có ít sự phân biệt giữa giai cấp thống trị và thượng lưu trong xã hội với người dân thường. Các nghệ sĩ diễn viên và khán giả cùng hoà nhập vào các điệu múa tưng bừng ở cuối mỗi buổi biểu diễn.
Đến với Lễ hội, du khách được thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống: Arirang, Pungmul…, các điệu múa mặt nạ dân gian của Hàn Quốc: Gangneung gwano, Dongrae, Suyoung…, những điệu múa này là một phần quan trọng của di sản văn hóa Hàn Quốc, đặc biệt là điệu múa mặt nạ Hahoe Byeolsingut Talnori, với lịch sử hơn 800 năm tồn tại - đã được vinh danh là tài sản văn hóa phi vật thể quan trọng của Hàn Quốc.
Lễ hội có nhiều hoạt động đa dạng, như: triển lãm về truyền thống dân gian Hàn Quốc, triển lãm các loại hình mặt nạ trên thế giới.
Ngoài ra lễ hội còn có các hoạt động trải nghiệm thực tế, như: học múa mặt nạ truyền thống Hàn Quốc được gọi là talchum, vẽ mặt nạ, chơi các trò chơi dân gian... Tại đây, mọi người cùng đeo mặt nạ và tham gia vào đoàn diễu hành của lễ hội, không phân biệt tuổi tác, giới tính và quốc tịch.